Văn phòng Chính phủ vừa có Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại các bộ, ngành, địa phương Quý I năm 2023. Theo đó, Quý I, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 661 quyết định công bố 13.244 TTHC, danh mục TTHC để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (trong đó có 3.789 TTHC quy định mới, 6.570 TTHC sửa đổi, bổ sung và 2.885 TTHC bãi bỏ/thay thế).
.jpg)
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành trọng tâm, quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách, kiểm soát TTHC, nổi bật như: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó đã xác định riêng một nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/02/2023 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp giải quyết TTHC và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát TTHC năm 2023 làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về cải cách, kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên mỗi trường điện tử; đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã.
Công tác kiểm soát TTHC
Về đánh giá tác động, thẩm định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động đối với 256 TTHC được quy định tại 35 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó, có 57 TTHC quy định mới, 160 TTHC được sửa đổi, bổ sung, 14 TTHC được bãi bỏ và 25 TTHC giữ nguyên; đã thực hiện thẩm định đối với 110 TTHC quy định tại 26 văn bản QPPL, riêng Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 40 TTHC quy định tại 08 văn bản QPPL.
Việc thực hiện đánh giá tác động và thẩm định TTHC được quy định trong dự thảo văn bản QPPL đã hỗ trợ cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về quy định TTHC trong dự thảo văn bản QPPL giúp cơ quan, cấp có thẩm quyền có thêm thông tin để quyết định ký ban hành hoặc thông qua văn bản QPPL, góp phần nâng cao chất lượng quy định TTHC, đáp ứng nguyên tắc, yêu cầu của việc quy định TTHC.
Về công bố, công khai TTHC
Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 661 quyết định công bố 13.244 TTHC, danh mục TTHC để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (trong đó có 3.789 TTHC quy định mới, 6.570 TTHC sửa đổi, bổ sung và 2.885 TTHC bãi bỏ/thay thế), đã công khai 10.299 TTHC. Việc công bố, công khai TTHC, danh mục TTHC của các bộ, ngành, địa phương trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện TTHC.
Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa TTHC
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, công bố danh mục TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Đã có 04 bộ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh (gồm: 19 chế độ báo cáo và 28 TTHC) tại 04 văn bản QPPL, nâng tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đến nay được cắt giảm, đơn giản hóa là 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản QPPL; một số bộ, địa phương đã ban hành quyết định công bố hoặc bước đầu đã xác định được danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý làm cơ sở để triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản QPPL để thực thi, trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản QPPL, đạt 36%.
Về phân cấp trong giải quyết TTHC
Các bộ, ngành đang tập trung triển khai thực hiện phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực, dự kiến sửa đổi, bổ sung 232 văn bản QPPL để thực thi phương án theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản QPPL, đạt 12%.
Việc triển khai hiệu quả phân cấp trong giải quyết TTHC sẽ góp phần giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính
Các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 14.241 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính; đã xem xét, trả lời 6.843 PAKN.
Đối với Hệ thống tiếp nhận, trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), trong Quý I/2023 đã tiếp nhận tổng số 6.119 PAKN của người dân, doanh nghiệp; đã xử lý và trả lời 4.161 PAKN.
Về truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC
Công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện cải cách TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030,... được các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ...) và của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, đăng tải, đưa tin trên các kênh, chương trình, chuyên mục,... tạo sức lan tỏa lớn.
Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử
Về triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong Quý I/2023, các cơ quan hành chính trên địa bàn cả nước đã tiếp nhận để giải quyết: 98.452.844 hồ sơ, trong đó có: 55.643.380 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; đã xem xét, giải quyết 95.873.344 hồ sơ; đang xem xét, giải quyết 2.579.500 hồ sơ.
Đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.472 TTHC. Trên cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 58 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 01 địa phương thành lập Bộ phận Một cửa tập trung, 04 địa phương vẫn duy trì mô hình Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; có 10/21 bộ, ngành, 62/63 địa phương đã triển khai hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; có 47/85 bộ, ngành, địa phương đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận Một cửa thống nhất với khẩu hiệu “Hành chính phục vụ”;… Qua đó, từng bước cải thiện chất lượng, tạo diện mạo mới, thay đổi phương thức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, nhiều bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, định kỳ hàng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công; 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.
Về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử
Việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử và thanh toán trực tuyến đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG, nhiều dịch vụ công phát sinh hồ sơ lớn trong Quý I/2023, như: Thông báo khuyến mại (360 nghìn hồ sơ), đăng ký xe (725 nghìn hồ sơ), giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (45 nghìn hồ sơ),... Cổng DVCQG đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 12.5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành triển khai theo cơ chế một cửa quốc gia với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Trong Quý I/2023, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai. Một số bộ, ngành đã thực hiện kiểm tra công tác kiểm soát TTHC thông qua lồng ghép với các đợt kiểm tra công tác cải cách hành chính nhằm tiết kiệm thời gian cho các cơ quan, đơn vị nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước, như: Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ,... |
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUÝ II NĂM 2023
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm theo đúng yêu cầu tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục triển khai rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Triển khai thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan đã được Chính phủ thông qua tại 19 Nghị quyết, thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ưu tiên đề xuất áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bốn là, tiếp tục đánh giá, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ TTHC cung cấp trên Cổng DVCQG, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và tăng cường tương tác trực tuyến để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng DVCQG, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm.
Năm là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kết nối các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, đặc biệt là giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sáu là, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương”; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về công tác cải cách TTHC gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, nhất là việc huy động sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham vấn về các quy định kinh doanh để kịp thời sửa đổi, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp nhằm nâng cao nhận thức chung và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.
Bảy là, tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ là cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân trong đề xuất sáng kiến cải cách; đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Trí Đức
Nguồn: tcnn.vn