Thực hiện quy định của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 02/2023/TT-BTP).
Theo đó, thông tư này quy định danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp. Được áp dụng áp dụng với các cơ quan, tổ chức hành chính thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Tư pháp từ trung ương đến địa phương, gồm: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, cụ thể: Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức; Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.
Căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, đó là: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thông tư số 02/2023/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023./.
Việt Uyên